Thách thức về dinh dưỡng tại Việt Nam: Suy dinh dưỡng tồn tại song hành với sự gia tăng của thừa cân béo phì
Đăng ngày 05/07/2023
BS CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp
Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam
Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Thực phẩm TP. HCM – Nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP. HCM
Trên toàn cầu, hiện vẫn có hơn 149 triệu trẻ em thấp còi và 20 triệu trẻ sinh ra nhẹ cân trong lúc tình trạng thừa cân và béo phì ở thanh thiếu niên và trẻ em đang tiếp tục tăng ảnh hưởng đến 2 tỷ người trên toàn cầu, trong đó 70% sống ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Dù đã giảm suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi về đích trước 7 năm so với chỉ tiêu mà Mục tiêu Thiên niên kỷ đặt ra đến năm 2015 và đang trên đà đạt một trong những mục tiêu dinh dưỡng toàn cầu là giảm 40% SDD thấp còi trẻ em đến năm 2025, thực tế là Việt Nam vẫn đối mặt với thách thức về dinh dưỡng lớn là sự chênh lệch giữa các vùng miền về suy dinh dưỡng trong đó suy dinh dưỡng cao ở các vùng nông thôn và miền núi và thừa cân béo phì cao ở các vùng đô thị.
Đáng báo động là tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em tuổi học đường đã tăng gấp hai lần từ 8,5% năm 2010 lên thành 19% năm 2020, trong đó tỷ lệ thừa cân béo phì khu vực thành thị là 26,8%, nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%. Điều này có nghĩa là mục tiêu dinh dưỡng toàn cầu là đảm bảo không gia tăng tỷ lệ thừa cân ở trẻ em của chúng ta đã không đạt được.
Sự chênh lệch giữa các vùng miền về suy dinh dưỡng là vấn đề đáng suy nghĩ và cần rất nhiều nỗ lực để thu hẹp khoảng cách và đảm bảo sự công bằng trong hoàn cảnh nguồn lực có hạn. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn quốc là 19,6% trong khi ở vùng miền núi phía Bắc tỷ lệ lên đến 37,4%, Tây Nguyên 28,8%. Thống kê cho thấy chênh lệch giữa vùng thành thị – nông thôn- miền núi tương ứng là 12,4% -14,9% và 38%. Tỷ lệ thiếu kẽm trẻ em 6-59 tháng tuổi rất cao ở miền núi phía Bắc, lên đến 67,7% và ở Tây Nguyên là 66,6%, trong khi ở thành thị là 49,6%. Tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở nhóm trẻ 6-59 tháng tuổi vẫn cao nhất ở khu vực miền núi phía Bắc 13,8% và Tây Nguyên 11%. Tỷ lệ thiếu máu dinh dưỡng ở nhóm trẻ 6-59 tháng cũng vẫn cao nhất ở miền núi phía Bắc với 23,4% và Tây Nguyên 26,3% trẻ thiếu máu. Như vậy tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng cao nhất luôn nằm ở vùng miền núi phía Bắc và Tây Nguyên – cũng là địa bàn sinh sống của 75% các nhóm dân tộc thiểu số. Trong khi tỷ lệ thiếu máu ở trẻ em tại Việt Nam là 27,8% thì với trẻ em là người dân tộc thiểu số là 43%. Thiếu sắt cũng là vấn đề phổ biến với trẻ em khu vực miền núi (81%) so với khu vực thành thị với phần lớn dân số là người Kinh (50%).
Điều đáng mừng là đã có sự gia tăng về chiều cao của thanh niên. Nam 18 tuổi năm 2020 đạt 168,1cm (so với năm 2010 là 164,4cm), nữ đạt 156,2cm (so với năm 2010 là 154,8cm). Một trong những mục tiêu dinh dưỡng toàn cầu là tăng tỷ lệ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và Việt Nam đã có sự cải thiện đáng kể, tăng từ 19,6% vào năm 2010 lên 45,4% vào năm 2020). Tỷ lệ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu ở khu vực thành thị là 55,7%, cao hơn so với nông thôn là 40,3% và nông thôn miền núi là 42,7% cho thấy hiệu quả của công tác truyền thông và các chính sách tổng thể phù hợp trong hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ.