Chất dinh dưỡng và sự tăng trưởng của trẻ em (phần 2)

Đăng ngày 14/07/2023

BS CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp
Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam
Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Thực phẩm TP. HCM – Nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP. HCM

Ngoài các chất dinh dưỡng đã đề cập trong phần 1, các chất dinh dưỡng sau đây cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo phát triển tối ưu cho trẻ.

Iốt

Iốt tham gia vào quá trình tổng hợp nội tiết tố tuyến giáp trạng. Vi chất này còn tham gia vào quá trình chuyển hóa các dinh dưỡng, sự trưởng thành của hệ thống thần kinh trung ương, hệ thống nội tiết tố do đó thiếu iốt trẻ dễ bị thấp còi, gây tổn thương các tế bào thần kinh.

Nếu thiếu iốt từ trong bụng mẹ khi ra đời bị suy giáp bẩm sinh, trẻ lớn hơn có thể bị đần độn, bướu cổ. Thực đơn của trẻ cần được bổ sung thực phẩm giàu iốt như các loại cá biển, rong biển. Sử dụng muối, gia vị bổ sung iốt để chế biến món ăn là giải pháp dự phòng thiếu iốt.

Kẽm

Kẽm tham gia vào thành phần hơn 300 enzym cho các phản ứng hóa học trong cơ thể, tham gia chuyển hóa các chất dinh dưỡng và quá trình phân chia tế bào, chức năng sinh sản, miễn dịch. Thiếu kẽm làm trẻ chậm phát triển thể lực, suy dinh dưỡng, giảm sức đề kháng, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng. Thiếu kẽm còn làm giảm khả năng phát dục và khả năng sinh sản.

Bữa ăn hàng ngày của trẻ có thể bổ sung kẽm thông qua thực phẩm như tôm, cua, hàu, ngao, thịt bò, thịt gà, hạt ngũ cốc, phô mai,…

Vitamin D

Vai trò chủ yếu của vitamin D là góp phần cấu tạo xương, giúp sự hấp thu calci và phospho. Vitamin D còn có vai trò phát triển hệ sinh sản và da, cân bằng nội môi. Thiếu vitamin D sẽ dẫn tới còi xương, hạ canxi máu, loãng xương.

Vitamin D chỉ có trong thực phẩm có nguồn gốc động vật. Vitamin D có nhiều trong gan, các loài cá béo. Vitamin D cần được bổ sung dạng uống ở trẻ em vùng thiếu hụt vitamin D, bị bệnh lý rối loạn hấp thu, sinh ra vào mùa đông.

Vitamin A

Vitamin A đóng vai trò quan trọng đặc biệt đối với tăng trưởng của trẻ em. Khi thiếu Vitamin A trẻ sẽ dễ bị suy dinh dưỡng. Vitamin A có vai trò trong quá trình phát triển thị giác nên thiếu vitamin A gây quáng gà, nặng sẽ gây tổn thương kết mạc, giác mạc dẫn đến mù lòa. Vitamin A có vai trò bảo vệ biểu mô, tǎng cường khả nǎng miễn dịch của cơ nên thiếu vitamin A trẻ dễ bị nhiễm trùng đường hô hấp, tiêu hóa và bị bệnh kéo dài hơn.

Vitamin A có nhiều trong gan, các loài cá béo. Thực phẩm nguồn gốc thực vật có nhiều tiền vitamin A như các loại rau củ quả có màu vàng, đỏ như cà chua, cà rốt, dưa hấu, đu đủ, gấc…; các loại rau màu thẫm như rau muống, dền, mồng tơi, ngót, các loại cải; dầu cọ và các loại dầu ăn khác.

Vitamin A cần được bổ sung dạng uống ở trẻ em vùng thiếu hụt vitamin A, không được bú sữa mẹ, hay mắc các bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp, tiêu hóa, tiêu chảy kéo dài, bệnh sởi…

Vitamin C

Vitamin C có vai trò chống dị ứng, tăng cường khả năng miễn dịch, hỗ trợ chuyển hóa chất. Khi thiếu vitamin C, trẻ dễ mắc bệnh nhiễm trùng, hay bị xuất huyết ngoài da, các vết thương lâu thành sẹo.