Chất dinh dưỡng và sự tăng trưởng của trẻ em (phần 1)
Đăng ngày 13/07/2023
BS CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp
Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam
Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Thực phẩm TP. HCM – Nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP. HCM
Các chất dinh dưỡng có vai trò quan trọng đặc biệt với trẻ em. Quá trình tăng trưởng của trẻ em không thể thiếu các chất dinh dưỡng vì đó chính là nguyên liệu để xây dựng và phát triển cơ, xương, não, các cơ quan và mô cơ thể và tất cả các hoạt động chuyển hóa của cơ thể. Chất dinh dưỡng còn là nền tảng cho sự phát triển tối ưu về thể chất, trí tuệ.
Nếu không cung cấp đủ các chất dinh dưỡng sẽ dẫn đến tình trạng chậm tăng trưởng, suy dinh dưỡng và nhiều bệnh lý khác đồng thời sẽ ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống, tuổi thọ và chất lượng giống nòi.
Dưới đây là vai trò các chất dinh dưỡng và cách bổ sung dinh dưỡng nhằm đảm bảo phát triển tối ưu cho trẻ em.
Chất đạm
Chất đạm có vai trò xây dựng tế bào, hình thành những hợp chất cần thiết cho cơ thể, tạo kháng thể chống đỡ bệnh tật, vận chuyển dưỡng chất, điều hòa cân bằng nước, điều hòa hoạt động cơ thể và là nguồn năng lượng cho cơ thể. Trẻ em cần ăn nhiều chất đạm động vật hơn đạm thực vật.
Thực phẩm giàu chất đạm có nguồn gốc động vật chứa hầu hết các acid amin thiết yếu cho cơ thể như thịt, cá, gia cầm, trứng, sữa & sản phẩm từ sữa. Chất đạm có nguồn gốc thực vật là các loại đậu
Chất béo
Chất béo có vai trò dự trữ và cung cấp năng lượng, là cấu trúc quan trọng của tế bào và của các mô trong cơ thể, điều hòa hoạt động của cơ thể, các acid béo không no thiết yếu nhiều nối có chức năng chống oxy hóa bảo vệ cơ thể, chất béo chính là mô đệm để bảo vệ, nâng đỡ cơ thể khỏi những tác động bất lợi của môi trường bên ngoài như nhiệt độ và sang chấn. Chất béo trong thức ăn cần thiết cho sự hấp thu vitamin tan trong chất béo như vitamin A, D, E, K.
Thực phẩm giàu chất béo có nguồn gốc động vật là thịt mỡ, mỡ, bơ, phô mai,… Thức ăn giàu chất béo nguồn gốc thực vật là dầu thực vật, đậu phộng, mè, đậu nành, hạt điều, hạt dẻ,…
Chất bột đường
Chất bột đường là nguồn cung cấp năng lượng chính cho cơ thể, tham gia cấu tạo tế bào và các mô của cơ thể, điều hòa hoạt động của cơ thể.
Chất bột đường có chủ yếu trong những thực phẩm có nguồn gốc thực vật như gạo, lúa mì, bánh mì, nui, miến, bún, phở và các loại ngũ cốc khác, khoai lang, khoa tây, khoai mì, bánh qui, trái cây,….
Sắt
Sắt tham gia vào quá trình vận chuyển và lưu trữ oxy, chuyển hóa các chất dinh dưỡng; tạo enzyme, tạo tế bào hồng cầu. Thiếu sắt là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thiếu máu, chậm tăng trưởng. Các bé không được cung cấp đủ sắt qua khẩu phần ăn dễ bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, chậm phát triển trí tuệ. Trẻ dễ mắc các bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa, hô hấp và bệnh về da.
Trẻ em cần ăn thực phẩm giàu sắt nguồn gốc từ động thực vật như thịt bò, thịt gà, gan, cá, trứng và từ thực vật như mộc nhĩ, mè, rau dền, đậu xanh, rau muống,… Mộc nhĩ chứa nhiều sắt, trong 100g có 56mg sắt, mè có 14,5mg sắt, gan heo có 12mg sắt và gan bò có 9mg sắt.
Sắt trong thực phẩm được tăng cường hấp thu nếu ăn cùng các loại thực phẩm giàu vitamin C. Bạn có thể có đưa vào thực đơn cho trẻ món thịt bò xào cà chua hoặc trộn dầu giấm.
Canxi
Canxi đóng vai trò cấu tạo xương, răng, tham gia vào quá trình đông máu, chuyển hóa một số chất dinh dưỡng. Theo nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam năm 2016, nhu cầu canxi mỗi ngày cho trẻ 0-5 tháng là 300 mg; cho trẻ 6-8 tháng là 400mg canxi; cho trẻ 1-2 tuổi là 500mg canxi, cho trẻ 3-5 tuổi là 600mg canxi.
Nếu thiếu canxi, trẻ thường chậm mọc răng. Chậm mọc răng khiến trẻ nhai, nuốt không tốt dẫn đến tiêu hóa hấp thu kém. Thực phẩm giàu canxi là tôm tép, cua, cá, thịt, sữa, phô mai, rau xanh, đậu,…
Tép khô chứa 2.000mg trên 100g, trong khi đó tôm đồng là 1.120mg. Tép có nhiều canxi hơn tôm, nếu trẻ lớn thì có thể cho bé ăn tép thường xuyên. Cá được nấu nhừ để ăn cả xương sẽ cung cấp nhiều hơn canxi cho cơ thể. Sữa và các sản phẩm từ sữa có chứa nhiều canxi, sữa tươi có khoảng 120mg trong 100ml, sữa tách béo khoảng 900-1.000mg trong 100g. Nên chọn sữa bổ sung canxi góp phần cung cấp đủ nhu cầu hàng ngày cho trẻ.