Tình hình dinh dưỡng và sức khỏe của trẻ em

Đăng ngày 30/06/2023

BS CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp
Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam
Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Thực phẩm TP. HCM – Nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP. HCM

Cải thiện sức khỏe và tình trạng dinh dưỡng của trẻ em là một trong những mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hiệp quốc. Nghị quyết của Đại hội đồng Y tế Thế giới vào năm 2012 đã thông qua sáu mục tiêu dinh dưỡng toàn cầu đến năm 2025 bao gồm:
– Giảm 40% trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi;
– Giảm 50% tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ;
– Giảm 30% tỷ lệ trẻ sơ sinh nhẹ cân;
– Đảm bảo không gia tăng tỷ lệ thừa cân ở trẻ em;
– Nâng tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu lên ít nhất 50%;
– Giảm và duy trì tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5%.

Cho đến nay có thể thấy các quốc gia rất khó khăn để có thể đạt được tất cả các mục tiêu trên. Thiếu hụt vi chất dinh dưỡng còn được gọi là nạn đói tiềm ẩn thật sự là gánh nặng lớn trên toàn cầu và tại Việt Nam. Trẻ em là đối tượng có nguy cơ cao bị thiếu các vi chất dinh dưỡng quan trọng như vitamin A, vitamin D, sắt, kẽm, i-ốt… Tỷ lệ thiếu kẽm ở trẻ em 6-59 tháng tuổi là 58% ở mức ý nghĩa sức khỏe cộng đồng nặng theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới. Tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở nhóm trẻ 6-59 tháng tuổi là 9,5%. Tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng trẻ em 5-9 tuổi là 4,9% ở mức nhẹ về ý nghĩa sức khỏe cộng đồng theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới. Tỷ lệ thiếu máu ở nhóm trẻ 6-59 tháng là 19,6%. Tỷ lệ thiếu máu ở trẻ em 5-9 tuổi là 9,2%; ở trẻ em 10-14 tuổi là 8,4% đều ở mức có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng nhẹ theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới. Thiếu vitamin D còn ảnh hưởng đến khoảng 50% trẻ em tuổi học đường.

Đại dịch COVID-19 khiến việc giải quyết các vấn đề dinh dưỡng và sức khỏe lại càng trở nên khó khăn hơn. Đại dịch đã dẫn đến sự gia tăng đáng kể tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em ở tất cả các thể vì giảm thu nhập hộ gia đình, gián đoạn các dịch vụ dinh dưỡng và y tế, giảm khả năng sẵn có và khả năng chi trả cho các thực phẩm lành mạnh. Đại dịch có thể sẽ dẫn đến có thêm 13,6 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng thể gầy còm và sẽ có thêm 3,6 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng thấp còi sau đại dịch COVID-19. Việc phục hồi các hệ thống cung cấp lương thực thực phẩm bền vững sau đại dịch COVID-19 vốn đã có nhiều thách thức cùng với các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu dẫn đến hiện tượng nóng lên toàn cầu cũng là nguyên nhân tác động đến tình trạng suy dinh dưỡng và sức khỏe trẻ em.

Suy dinh dưỡng là một thách thức đối với tất cả các quốc gia bất kể đất nước đó đang ở giai đoạn phát triển nào. Trong nhiều năm qua Việt Nam luôn ưu tiên đầu tư cho mục tiêu bảo vệ và nâng cao sức khỏe, phòng chống suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng cho trẻ em. Với những nỗ lực của cả cộng đồng, tỷ lệ tử vong trẻ em và suy dinh dưỡng trẻ em Việt Nam đã giảm liên tục và bền vững. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn quốc năm 2020 là 11,6 %; tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi 19,5%. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em tuổi học đường từ 5-19 tuổi năm 2020 là 12,2%; tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi là 14,8%.

Suy dinh dưỡng gây nhiều hậu quả cho cả trẻ em và gia đình cũng như cộng đồng và sự phát triển của quốc gia. Suy dinh dưỡng ở trẻ em có thể dẫn đến những tổn thương không thể phục hồi được với sự phát triển thể chất, trí tuệ, hệ miễn dịch và kết quả học tập, góp phần tạo nên sự chuyển giao nghèo đói từ thế hệ này sang thế hệ khác. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, cải thiện dinh dưỡng có thể tạo thêm 3.500 tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu. Với mỗi USD đầu tư vào dinh dưỡng sẽ tạo ra thêm 16 USD cho nền kinh tế của mỗi quốc gia.

Nguyên nhân chính của suy dinh dưỡng trẻ em có thể chia theo 5 nhóm chính có tác động tương hỗ nhau: Thiếu kiến thức nuôi dưỡng trẻ em; sai lầm trong thực hành nuôi dưỡng trẻ; thiếu dịch vụ chăm sóc dinh dưỡng và sức khỏe; do bệnh lý đặc biệt là các bệnh lây nhiễm, các bệnh tật liên quan đến hệ tiêu hóa, nội tiết; các nguy cơ có sẵn như trẻ sinh non, có cân nặng lúc sinh thấp; Đói nghèo.

Những yếu tố trọng tâm trong phòng ngừa suy dinh dưỡng trẻ em là cung cấp chế độ dinh dưỡng hợp lý; bổ sung các vi chất dinh dưỡng; bú sữa mẹ; ăn dặm với đủ các nhóm thực phẩm; chế biến món ăn dễ tiêu hóa, hấp thu, hấp dẫn và an toàn; vận động thể lực ngoài trời hàng ngày; ngủ đủ giấc; theo dõi tăng trưởng; chích ngừa.

Để đạt mục tiêu chấm dứt tình trạng suy dinh dưỡng dưới mọi hình thức đòi hỏi sự nỗ lực trong thực thi các chính sách liên quan tổng thể trong chuyển đổi hệ thống y tế và thực phẩm, phối hợp các định chế tài chính, phối hợp các tổ chức phi chính phủ và cả cộng đồng về dinh dưỡng và sức khỏe tập trung vào đối tượng bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.