Phòng ngừa và điều trị tình trạng thiếu hormone tăng trưởng ở trẻ em

Đăng ngày 20/10/2021

TS.BS Huỳnh Thị Vũ Quỳnh
Phó trưởng khoa Nhi; Trưởng phòng Đảm bảo chất lượng Khoa Y, Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM
Trưởng khoa Thận – Nội tiết, Bệnh viện Nhi Đồng 2

Các bậc phụ huynh thường băn khoăn và lo lắng khi nhận thấy con mình có sự phát triển chiều cao không như bạn bè đồng trang lứa. Đừng quá lo lắng vì hiện nay các chuyên gia đã có những phương án điều trị và theo dõi cho con trẻ. Tuy nhiên đây là cả một quá trình để mang đến những kết quả tốt nhất.

Một số hậu quả nếu không điều trị kịp thời và đúng phương pháp

Trẻ thiếu hormone tăng trưởng cần được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời bằng hormone tăng trưởng giúp trẻ mau chóng bắt kịp tốc độ tăng trưởng và không ảnh hưởng nhiều đến chiều cao khi trưởng thành. Sẽ ra sao nếu vấn đề này không được phát hiện kịp thời hoặc lơ là?

Nếu trẻ không được phát hiện sớm và điều trị sớm, trẻ sẽ thấp hơn các bạn cùng tuổi và quan trọng là chiều cao cuối cùng sẽ không tốt. Một số nghiên cứu cho thấy trẻ thấp lùn có thể có những vấn đề về tâm lý như mặc cảm so với các bạn cùng trang lứa, trẻ cũng có thể có những bất thường về hành vi. Trẻ có thể bị cô lập hoặc không tham gia được các hoạt động thể lực tương tự như các bạn cùng độ tuổi. Điều này có thể ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách cũng như ảnh hưởng đến quan hệ xã hội về sau của trẻ. 

Một số trường hợp bố mẹ khi thấy con chậm tăng trưởng không đưa trẻ đi khám để phát hiện và điều trị đúng mà tự ý bổ sung các thực phẩm chức năng hoặc canxi có thể gây ra các tác dụng phụ có hại như sỏi thận, suy thận, suy gan…

 

Theo dõi quá trình điều trị thiếu hormone tăng trưởng

Sau khi được chẩn đoán thiếu hormone tăng trưởng, trẻ sẽ được điều trị bằng hormone thay thế. Phương pháp điều trị này giúp cung cấp lượng hormone tăng trưởng đều đặn để trẻ có chiều cao trưởng thành càng gần mức bình thường càng tốt. Bên cạnh hiệu quả trên chiều cao, điều trị hormone tăng trưởng còn giúp cải thiện sự phân bố các thành phần của cơ thể như giảm lượng mỡ, tăng khối lượng cơ, cải thiện vận động và nâng cao chất lượng cuộc sống. 

Trẻ sẽ được theo dõi lâm sàng để đánh giá đáp ứng điều trị, trẻ đáp ứng tốt sẽ tăng 10-12 cm trong năm đầu tiên sau khi điều trị. Trong các năm tiếp theo tốc độ tăng trưởng sẽ giảm dần, tuy nhiên, sẽ cao hơn tốc độ tăng trưởng nếu không điều trị. Hầu hết các phụ huynh đồng ý điều trị hormone tăng trưởng có tác động tích cực trên tâm lý của trẻ. 

Đồng thời, trẻ sẽ được tái khám định kỳ trong tháng đầu tiên và mỗi 3 -6 tháng trong giai đoạn kế tiếp để bác sĩ theo dõi tốc độ tăng trưởng chiều cao và các xét nghiệm như IGF1, chức năng tuyến giáp, HbA1C để điều chỉnh liều phù hợp để đảm bảo tốc độ tăng trưởng tối ưu nhất.

Một số tác dụng phụ của thuốc thường gặp là nhức đầu, nhưng đa phần lành tính và có thể giảm sau khi chỉnh liều hoặc ngưng thuốc. Ngoài ra, các tác dụng phụ hiếm gặp khác như trượt chỏm xương đùi, làm nặng hơn tình trạng vẹo cột sống đã có trước đó. Trẻ có thể có rối loạn đường huyết, rối loạn chức năng tuyến giáp trong quá trình điều trị. Các rối loạn này đa phần sẽ giảm khi điều chỉnh liều.

Tuy nhiên về lâu dài, chưa có bằng chứng cho thấy thuốc làm tăng nguy cơ gây ung thư nguyên phát. Đối với trẻ em có tiền sử mắc ung thư, các nhà khoa học khuyến cáo nên sử dụng hormone tăng trưởng ít nhất 12 tháng sau khi điều trị khỏi ung thư.

Cách phòng ngừa thiếu hormone tăng trưởng

Thiếu hormone tăng trưởng có thể có nguyên nhân bẩm sinh hoặc mắc phải trong quá trình phát triển vì hoạt động không đúng, ăn uống thiếu chất dinh dưỡng, sự cố ảnh hưởng đến sức khoẻ.

Thiếu hormone tăng trưởng bẩm sinh phần lớn là do các đột biến gene hoặc chưa biết rõ nguyên nhân. Các bà mẹ trong quá trình mang thai cần khám thai định kỳ, có chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý để có một thai kỳ khỏe mạnh nhằm giảm thiểu tối đa các bất thường cho thai nhi. Phòng ngừa các nguyên nhân gây nhiễm trùng, chấn thương hệ thần kinh trung ương cũng góp phần giảm thiểu các nguyên nhân gây thiếu hormone tăng trưởng mắc phải.

Quan trọng nhất là các bậc phụ huynh cần theo dõi tốc độ tăng trưởng chiều cao của trẻ. Định kỳ đo chiều cao và ghi lại các số liệu vào biểu đồ tăng trưởng. Nếu thấy tốc độ tăng trưởng giảm hoặc biểu đồ tăng trưởng chiều cao đi ngang hoặc đi xuống thì cần đưa trẻ đi khám sớm để phát hiện nguyên nhân và điều trị kịp thời.

Vì một tương lai con trẻ phát triển toàn diện, các bậc phụ huynh nên chú ý hơn trong suốt quá trình phát triển của trẻ. Đừng để bất kì một lí do nào lấy sự cuộc sống phát triển bền vững và vui khoẻ của trẻ.