Hai nguyên nhân gây chậm tăng trưởng ở trẻ và cách can thiệp

Đăng ngày 18/01/2022

BS CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp
Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam
Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Thực phẩm TP. HCM – Nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP. HCM

Nguyên nhân của tình trạng chậm tăng trưởng ở trẻ em

Mong ước cho con được khỏe mạnh và cao lớn có thể nói là mối quan tâm của tất cả các bậc cha mẹ. Bình thường trẻ em khi ra đời đủ tháng có chiều dài khoảng 50cm nhưng trong quá trình trưởng thành nhiều bé không những không phát triển để đạt được tối đa chiều cao tiềm năng mà còn rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi. 

Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia có tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em cao nhất thế giới. Tại Việt Nam đến năm 2020 vẫn còn 19,6% trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thấp còi và 14,8% trẻ ở độ tuổi 5-19 tuổi. Như vậy hiện nay cứ 6 trẻ tuổi học đường có 1 em bị suy dinh dưỡng thấp còi.

Chậm tăng trưởng thường do một hoặc sự phối hợp của một vài nguyên nhân chính như sau:

– Do nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo đảm chế độ dinh dưỡng, vận động hợp lý cho trẻ chưa đầy đủ

– Thiếu kiến thức và chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý. Ví dụ như trẻ không được nuôi bằng sữa mẹ, trẻ ăn thiếu chất dinh dưỡng, ăn ít rau và trái cây; ăn nhiều đường, ăn nhiều thực phẩm chế biến không lành mạnh; không uống hoặc chọn không đúng loại sữa và các sản phẩm từ sữa; ăn vặt bằng các thực phẩm nghèo dinh dưỡng…

– Thiếu dịch vụ chăm sóc dinh dưỡng, vận động, thiếu điều kiện vận động. Nhiều trẻ học quá nhiều dẫn đến không còn thời gian cho các hoạt động thể chất, hoặc không có sân chơi thể dục, thể thao…

– Ít hoạt động thể lực, dành nhiều thời gian tĩnh cho các thiết bị smart-phone, máy tính, TV…

– Bệnh lý: rất nhiều bệnh lý có thể dẫn đến chậm tăng trưởng ở trẻ em như các bệnh lý nhiễm trùng, dị tật bẩm sinh ở tim, đường tiêu hóa, bệnh lý rối loạn chuyển hóa, thiếu hormone tăng trưởng….

Can thiệp dinh dưỡng cho trẻ chậm tăng trưởng do nguyên nhân dinh dưỡng

Để tăng trưởng tốt nhất thiết phải có chế độ dinh dưỡng phù hợp với lứa tuổi, giới tính, thể chất của trẻ và phải luôn duy trì hoạt động thể lực phù hợp lứa tuổi. Cần theo dõi tăng trưởng hàng tháng nhằm phát hiện sớm nguy cơ chậm tăng trưởng để có thể can thiệp sớm.

Chiều cao phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: yếu tố di truyền, dinh dưỡng, môi trường sống, tình trạng bệnh tật và vấn đề luyện tập thể dục thể thao. Đã có nhiều công trình nghiên cứu chứng minh dinh dưỡng có vai trò rất quan trọng với sự phát triển chiều cao của trẻ. Một điều chúng ta dễ nhận thấy ở nước ta hiện nay đó là trẻ em thành phố cao hơn trẻ em nông thôn là do trẻ em thành phố được chăm sóc tốt hơn, có chế độ ăn uống đầy đủ.

Để phòng chống chậm tăng trưởng do nguyên nhân dinh dưỡng cần có một chế độ dinh dưỡng hợp lý: ăn đủ năng lượng, cân đối thành phần các chất dinh dưỡng, cung cấp đầy đủ chất đạm, chất béo, chất bột đường, các vitamin và khoáng chất nhất là các vi chất dinh dưỡng có liên quan đến sự phát triển chiều cao như vitamin A, vitamin D, canxi, sắt, kẽm, iốt.

Vitamin D có vai trò rất quan trọng trong chuyển hóa, canxi và phốtpho là hai khoáng chất quan trọng để phát triển xương. Nếu thiếu Vitamin D thì ruột sẽ không thể hấp thu được can-xi và phốt-pho dẫn đến trẻ bị còi xương. Vitamin D có rất ít trong thức ăn, nguồn vitamin D chủ yếu là do cơ thể tự tổng hợp được khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Vậy nên một đứa trẻ dù có ăn uống đầy đủ nhưng suốt ngày ở  trong nhà không được tắm nắng dễ thiếu vitamin D thì canxi không thể hấp thu được, mà canxi là yếu tố quan trọng để phát triển chiều cao.

– Vitamin A cũng giúp cho sự tăng trưởng của xương, giúp tăng cường miễn dịch trẻ ít bị ốm đau thì sẽ có cơ hội để cao lớn hơn.

– Một yếu tố vi lượng rất quan trọng để phát triển chiều cao của trẻ đó là kẽm, kẽm tham gia vào rất nhiều thành phần các enzyme trong cơ thể giúp tăng tổng hợp protein, phân chia tế bào, thúc đẩy sự tăng trưởng, trẻ em thiếu kẽm thường biếng ăn, còi cọc và chậm lớn.

– Iốt là thành phần của nội tiết tố tuyến giáp, nội tiết tố này có vai trò thúc đẩy sự tăng trưởng của cơ thể, khi thiếu iốt trẻ sẽ bị thiểu năng tuyến giáp có thể bị lùn do suy giáp trạng.

Cần thực hành nuôi trẻ bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Ăn dặm từ tròn 6 tháng với đủ các nhóm chất dinh dưỡng.

Cần ăn đa dạng thực phẩm vì có không có loại thực phẩm nào có trong bản thân nó đầy đủ các chất dinh dưỡng cho sự tăng trưởng của cơ thể trẻ. Hàng ngày trẻ cần ăn đủ các nhóm thực phẩm là nhóm thịt cá trứng và thủy sản, đậu đỗ để cung cấp chất đạm; nhóm dầu mỡ để cung cấp chất béo; nhóm gạo và các loại ngũ cốc để cung cấp chất bột đường; nhóm rau và trái cây: nhóm sữa và các sản phẩm từ sữa.

Trẻ cần được ngủ đủ giấc vào ban đêm, không để trẻ ngủ muộn sau 10 giờ đêm. Tăng cường cho trẻ được vận động thể lực từ khi còn nhỏ.

Can thiệp cho trẻ chậm tăng trưởng do nguyên nhân nội tiết

Trẻ chậm tăng trưởng do nguyên nhân nội tiết thường gặp nhất là thiếu hụt hormone tăng trưởng (Growth Hormone). Thiếu hụt hormone tăng trưởng có thể xảy ra đơn độc hoặc kết hợp với suy giảm chức năng tuyến yên. Thiếu hụt hormone tăng trưởng có thể tự mắc phải hoặc do di truyền.

Để chẩn đoán cần đánh giá các chỉ số nhân trắc và các tiền sử bệnh lý, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm đo hormone tăng trưởng và các hormone tuyến yên khác và các nguyên nhân khác gây ra chậm tăng trưởng như giảm chức năng tuyến giáp, bệnh lý thận, bệnh lý huyết học.

Điều trị bằng cách bổ sung hormone tăng trưởng hoặc các hormon khác tùy  theo nguyên nhân.