Suy dinh dưỡng ở trẻ em và các biện pháp phòng ngừa
Đăng ngày 27/01/2021
Theo Bệnh Viện Nhi Đồng 1
Suy dinh dưỡng trẻ em là một trong những vấn đề mà các bậc cha mẹ rất quan tâm trong vấn đề nuôi dưỡng trẻ. Vì suy dinh dưỡng không những ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển trí não của trẻ sau này.
Nguyên nhân nào đưa đến tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ?
Trong quá trình nuôi dưỡng trẻ những nguyên nhân thường gặp là:
– Các bà mẹ thiếu kinh nghiệm nuôi con.
– Trẻ bệnh tật nhất là các bệnh nhiễm trùng.
– Thiếu thực phẩm.
– Ngoài ra còn do trẻ biếng ăn, cha mẹ thiếu thời gian chăm sóc.
Những dấu hiệu sớm thường gặp ở trẻ suy dinh dưỡng mà các bà mẹ cần quan tâm
– Trẻ biếng ăn kèm giảm ăn, giảm bú.
– Chậm tăng trưởng: đúng cân, sụt cân, chậm phát triển chiều cao.
– Da niêm xanh, cơ nhão.
– Buồn bực, kém linh hoạt, dễ bị kích thích.
– Rối loạn giấc ngủ, ngủ ít, ngủ khó, khóc đêm. Nhiễm trùng tái diễn.
– Chậm phát triển tâm thần vận động.
– Vòng cánh tay < 13cm (ở trẻ 1-5 tuổi).
Các loại suy dinh dưỡng trẻ em
– Suy dinh dưỡng I kênh B Suy dinh dưỡng vừa.
– Suy dinh dưỡng II kênh C Suy dinh dưỡng nặng.
– Suy dinh dưỡng III kênh D Suy dinh dưỡng rất nặng.
Suy dinh dưỡng kìm hãm sự phát triển thể chất và trí tuệ trẻ em, suy dinh dưỡng và bệnh tật là hai yếu tố liên quan chặt chẽ với nhau. Suy dinh dưỡng thậm chí mới suy dinh dưỡng nhẹ đã làm tăng nguy cơ mắc bệnh, khi mắc bệnh thì suy dinh dưỡng làm giảm sức đề kháng của cơ thể với các bệnh nhiễm trùng làm chậm khả năng phục hồi với các bệnh chấn thương, phỏng…phẫu thuật. Ngoài việc kéo dài thời gian phục hồi suy dinh dưỡng còn làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Cách phòng ngừa suy dinh dưỡng
– Phòng suy dinh dưỡng bào thai:
Các bà mẹ nên ăn uống với thức ăn phong phú, đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng cân 10 – 12 kg trong thai kỳ, giúp trẻ cân nặng lúc sanh > 2500g.
– Nuôi con bằng sữa mẹ:
Sữa mẹ là thức ăn hoàn hảo và tốt nhất cho trẻ, được nuôi bằng sữa mẹ trẻ sẽ ít khi bị bệnh, khỏe mạnh hơn, thông minh hơn và sau này ít có nguy cơ bị bệnh béo phì.
– Ăn dặm đúng cách:
Trẻ được cung cấp thức ăn phù hợp với lứa tuổi và đảm bảo đủ chất dinh dưỡng (đủ 4 nhóm).
Các biện pháp khác: chủng ngừa, sinh đẻ có kế hoạch, vệ sinh môi trường, cung cấp nước sạch, phòng và điều trị các bệnh nhiễm trùng.
BS. Hồ Thị Mỹ Ngọc Khoa Dinh Dưỡng