Các giai đoạn tăng trưởng ở trẻ và cách theo dõi

Đăng ngày 11/01/2022

BS CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp
Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam
Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Thực phẩm TP. HCM – Nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP. HCM

Trẻ em sinh ra và lớn lên là điều dường như rất tự nhiên nhưng câu hỏi con tôi có đang tăng trưởng tốt không luôn làm đau đầu các bậc cha mẹ!

Các giai đoạn tăng trưởng quan trọng của trẻ em

Từ khi sinh ra trẻ em tăng trưởng liên tục cho đến khi hết tuổi dậy thì và trở thành người trưởng thành. Thông thường có ba giai đoạn trẻ em có tốc độ tăng trưởng rất nhanh:

– Giai đoạn đầu: 1000 ngày đầu đời kể từ khi còn trong bụng mẹ đến hết 2 năm đầu đời

– Giai đoạn thứ hai: Tiền dậy thì

– Giai đoạn thứ ba: giai đoạn dậy thì.

1000 ngày đầu đời là giai đoạn hình thành và phát triển các mô, tổ chức, các cơ quan của cơ thể. Giai đoạn này được xem là giai đoạn nền tảng của sức khỏe. Trong giai đoạn này có một số cơ quan đã gần như hoàn tất quá trình hình thành về “cơ sở vật chất” của cá nhân như trọng lượng não bộ ở trẻ 1 tuổi gấp 3 lần lúc sinh, 2 tuổi bằng 80% người trưởng thành. Chiều cao trẻ 2 tuổi bằng 50% chiều cao khi trưởng thành. Cung cấp dinh dưỡng không đủ trong giai đoạn này sẽ có tác động xấu đến sự phát triển thể chất, trí não khó có thể khắc phục.

Giai đoạn tiền dậy thì và dậy thì có thể xem là giai đoạn vàng cho sự tăng trưởng toàn diện của trẻ. Giai đoạn này các mô cơ thể, tổ chức, cơ quan trọng trong cơ thể trẻ em vẫn tiếp tục hình thành và sẽ có sự phát triển vượt bậc về thể chất, chức năng quan trọng như miễn dịch, chuyển hóa, giới tính. Giai đoạn này trẻ tăng chiều cao rất nhanh 5-10cm/ năm; cân nặng tăng từ 2,5 – 5kg/năm, cấu trúc và mật độ xương tích lũy trong giai đoạn này đạt 40-60% so với khi đã trưởng thành; lượng can-xi tổng hợp tích lũy trong cơ thể tăng 4 lần.

Những thời điểm tăng trưởng nhanh liên quan đến định hình các mô, cơ quan tổ chức quan trọng của cơ thể nên việc chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ rất quan trọng. Dinh dưỡng ở trẻ em phải cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng để đảm bảo cho sự tăng trưởng toàn diện về thể chất, trí tuệ, vận động và nhận thức đồng thời giúp phòng ngừa nhiều bệnh lý liên quan đến dinh dưỡng và chuyển hóa vì sự tăng trưởng và “lập trình sức khỏe của trẻ em” kéo dài trong suốt thời gian từ khi tượng hình trong bụng mẹ đến tuổi trưởng thành. 

Vai trò tăng trưởng với sức khỏe trẻ em

Theo UNICEF sự tăng trưởng của trẻ em cần bao gồm cả thể chất, trí tuệ và cảm xúc.

Nếu tăng trưởng tốt trẻ em sẽ không chỉ có chiều cao, cân nặng và sức khỏe tốt mà còn có trí thông minh tốt và cảm xúc tốt nhờ đó trẻ sẽ có sức khỏe tốt, kết quả học tập tốt, luôn tự tin và gặt hái nhiều thành công trong cuộc sống.

Nếu trẻ tăng trưởng không tốt có thể dẫn đến nhiều hậu quả trong đó phổ biến nhất về thể chất là suy dinh dưỡng thấp còi. Suy dinh dưỡng càng sớm thì  hậu quả càng nặng nề:

– Về thể chất: trẻ suy dinh dưỡng có hệ miễn dịch yếu nên giảm sức đề kháng, tăng nguy cơ mắc các bệnh  lý nhiễm trùng, tăng nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm như đái tháo đường, tăng huyết áp và bệnh lý tim mạch, hội chứng chuyển hóa…

– Về trí tuệ: trẻ suy dinh dưỡng có chỉ số thông minh IQ thấp nên kết quả học tập kém

– Về cảm xúc: trẻ suy dinh dưỡng có chỉ số cảm xúc EQ thấp nên thiếu tự tin, hay mặc cảm, dễ bị rối loạn cảm xúc lo âu, căng thẳng, trầm cảm.

– Hậu quả lâu dài nếu chỉ xét trên phát triển thể chất có thể thấy chiều cao thấp hơn tiềm năng, chất lượng xương kém, năng xuất lao động kém

Cách theo dõi tăng trưởng ở trẻ em

Để biết trẻ tăng trưởng có tốt không chúng ta thường dùng các chỉ số cân nặng, chiều cao, vòng đầu, vòng cánh tay và trong 1 số trường hợp còn cần làm 1 số xét nghiệm chủ yếu để tìm nguyên nhân chậm tăng trưởng. Khi có các chỉ số nhân trắc của con mình các bậc cha mẹ sẽ so sánh với chuẩn tăng trưởng của trẻ em theo tuổi và giới tính để xác định tình trạng tăng trưởng bình thường hay bất thường.

Chuẩn tăng trưởng của Tổ chức Y tế thế giới được dùng phổ biến trên toàn thế giới. Các bậc cha mẹ có thể sử dụng biểu đồ tăng trưởng để kịp thời phát hiện trẻ ngừng tăng trưởng để có can thiệp kịp thời.