Trẻ chậm cao lớn – Nguyên nhân từ đâu?

Đăng ngày 12/10/2021

TS.BS Nguyễn Ngọc Khánh
Khoa Nội tiết – Chuyển hóa – Di truyền, BV Nhi Trung Ương

Các bậc phụ huynh ngày nay thường quan tâm nhiều đến vấn đề phát triển của con trẻ. Mong muốn con em của mình không chỉ phát triển về trí thông minh mà hướng đến sự phát triển toàn diện ở cả mặt thể chất. Vì vậy sự cao lớn của con trẻ là điều mà các bố mẹ mong đợi từng ngày. Tuy nhiên trong sốt đó, không ít các trường hợp trẻ gặp phải tình trạng chậm phát triển chiều cao với những biểu hiện cụ thể.

Hiểu sao cho đúng về chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ

Trẻ được coi là chậm tăng trưởng chiều cao khi chiều cao thấp dưới – 2 SD (độ lệch chuẩn) so với chiều cao trung bình của trẻ cùng tuổi, cùng giới và cùng cộng đồng. Đây là tiêu chuẩn thông thường để nhận biết trẻ có chậm tăng trưởng về chiều cao không.

Các nguyên nhân gây chậm tăng trưởng chiều cao

Bố mẹ nên biết rằng, thường có 2 nhóm nguyên nhân chính gây chậm tăng trưởng của trẻ em đó là nhóm chậm tăng trưởng bình thường, nhóm chậm tăng trưởng có nguyên nhân do bệnh lý. Nắm rõ 2 nguyên nhân chính này giúp bố mẹ nhận diện sức khỏe con trẻ chính xác hơn.

  • Nhóm chậm tăng trưởng bình thường

Chậm thể tạng: Một số trẻ chậm phát triển hơn các trẻ khác cùng tuổi, chậm dậy thì nhưng trẻ vẫn tiếp tục tăng trưởng và thường bắt kịp chiều cao bình thường khi ở tuổi trưởng thành

Chiều cao thấp có tính chất gia đình: Các trẻ sinh ra trong gia đình có bố/mẹ có chiều cao thấp thường có chiều cao thấp hơn so với chiều cao trung bình của quần thể.

Chiều cao thấp vô căn: Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết không tìm thấy nguyên nhân thực thể gì gây chậm tăng trưởng chiều cao. 

=> Hiện nay, một số nơi áp dụng giải trình tự gen liên quan tới chậm tăng trưởng cho nhóm này để phát hiện thêm nguyên nhân. 

  • Nhóm chậm tăng trưởng do bệnh lý

Bệnh lý dinh dưỡng

– Các trẻ không được cung cấp đủ năng lượng: các trẻ suy dinh dưỡng thấp còi do thiếu năng lượng.

– Các trẻ hấp thu kém trong các viêm ruột mạn tính, bệnh Coeliac.

Bệnh lý nội tiết

– Các trẻ bị thiếu hụt hormone tăng trưởng đơn thuần 

– Các trẻ bị thiếu hụt nhiều hormone tuyến yên tức là thiếu hormone tăng trưởng kèm theo thiếu một hoặc nhiều các hormone tuyến giáp/hormone tuyến thượng thận/hormone chống bài niệu

– Các trẻ suy giáp bẩm sinh không được điều trị.

– Các trẻ có biểu hiện hội chứng Cushing: do tác dụng phụ của dùng thuốc corticoid kéo dài.

– Các trẻ dậy thì sớm: trẻ gái có biểu hiện dậy thì sớm trước 8 tuổi và trẻ trai có biểu hiện dậy thì sớm trước 9 tuổi.

– Các trẻ suy cận giáp: các trẻ thiếu hormone cận giáp dẫn tới rối loạn hấp thu và chuyển hoá canxi tạo xương.

Các hội chứng bẩm sinh: 

– Các trẻ có bất thường nhiễm sắc thể: với các bé gái thường sẽ có nguy cơ mắc các hội chứng thiếu nhiễm sắc thể như Turner, hội chứng Langdon Down thì có thể phát hiện trở cả các bé gái và bé trai.

– Các trẻ có các hội chứng bất thường về di truyền khác: hội chứng Noonan là hội chứng ảnh hưởng tới nhiều cơ quan và hoạt động cơ thể do bột biến một số gen. Hội chứng Russell-Silver là hội chứng đặc trưng bởi chậm tăng trưởng trong tử cung và chậm tăng trưởng sau sinh với khuôn mặt bất thường. Ngoài ra còn có một số hội chứng khác như Prader Willi 

(Đối với việc xác định liệu trẻ có gặp các hội chứng phía trên, bố mẹ nên đưa trẻ đến thăm khám tại các cơ sở y tế để nhận được tư vấn chính xác từ bác sĩ)

– Các khuyết tật bẩm sinh khác/chậm phát triển tinh thần

Chậm phát triển trong tử cung: Trẻ có cân nặng và chiều cao khi sinh thấp dưới – 2SD (độ lệch chuẩn) so với tuổi thai. Sau 2 – 3 tuổi không bắt kịp chiều cao so với các trẻ cùng lứa tuổi và cùng giới trong cùng quần thể.

Các bệnh lý mạn tính/các bệnh lý chuyển hoá:

– Các bệnh lý mạn tính của chuyên khoa tim mạch (tim bẩm sinh), chuyên khoa thận (suy thận mạn, hội chứng thận hư…) , chuyên khoa gan (suy gan mạn tính, dị tật bẩm sinh gan), chuyên khoa hô hấp (bệnh phổi mạn tính đẻ non, dị tật bẩm sinh phổi, xơ phổi, hen phế quản…), chuyên khoa miễn dịch (lupus ban đỏ, suy giảm miễn dịch bẩm sinh, viêm khớp mạn tính…), chuyên khoa tiêu hoá (hội chứng ruột ngắn, các bất thường hấp thu bẩm sinh…)

– Đái tháo đường không được kiểm soát tốt

– Các bệnh lý rối loạn chuyển hoá thể tiêu bào như các bệnh lý Mucopolysacharidosis

– Các rối loạn chuyển hóa dự trữ glycogen

Các bệnh lý về xương:

– Loạn sản sụn xương/ Loạn  sản xương

– Loạn dưỡng sụn

– Còi xương di truyền

Các khối u: các khối u não, u bụng, u phổi...

Để biết được trẻ có chậm tăng trưởng chiều cao không, trẻ nên được đo chiều cao 3 – 6 tháng/lần và so sánh với biểu đồ tăng trưởng theo lứa tuổi và giới. Việc cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ là rất quan trọng để trẻ có thể đạt được chiều cao tiềm năng của mình. Đối với các trẻ chiều cao thấp dưới – 2SD hoặc tốc độ tăng trưởng < 5cm/năm, nên được thăm khám bới các bác sỹ chuyên khoa Nội tiết – Nhi.

Thang đo phát triển tăng trưởng

Dưới đây là bảng chiều cao cân nặng của bé gái và bé trai chuẩn mới nhất kể từ lúc sơ sinh cho đến khi bé được 10 tuổi. Các bố mẹ hãy đối chiếu chiều cao cân nặng của bé yêu căn cứ vào bảng số liệu này để có thể nhận biết được mức tăng trưởng của con qua từng giai đoạn.

Bảng 1: Dành cho bé gái

Bảng 2: Dành cho bé trai

Tuy nhiên, các bố mẹ cũng nên biết rằng mỗi một cộng đồng dân cư, khu vực có bảng tăng trưởng chiều cao theo tuổi và giới được điều tra và thống kê trên nhóm dân cư và khu vực của mình. Đây là cơ sở để đánh giá trẻ có chậm tăng chiều cao hay không. Vậy nên đôi khi còn tùy thuộc vào độ tuổi cũng như cơ chế sinh hoạt của trẻ. Chứ không phải dựa trên mức so sánh với bạn bè đồng trang trang lứa.