Tình trạng suy dinh dưỡng ảnh hưởng sự phát triển chiều cao của trẻ em Việt Nam

Đăng ngày 01/09/2021

Ths.Bs Trương Nhật Khuê Tường
Khoa Dinh Dưỡng – Tiết Chế, BV DHYD TP. HCM

Trẻ chậm tăng trưởng chiều cao, thấp còi, suy dinh dưỡng không còn là vấn đề xa lạ đối với những bậc phụ huynh ở Việt Nam. Qua các số liệu điều tra của Tổ chức Y tế Thế giới và riêng tại Việt Nam, vấn đề này đã có chuyển biến tích cực, đặc biệt là trong giai đoạn từ năm 2010 đến 2020.  Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn một chặng đường dài trước mắt để lấp đầy khoảng cách giữa các vùng miền, địa phương trong việc tiếp tục phát huy thành tựu này.

Tình hình tổng quan

Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2020 có 149.2 triệu trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn thế giới hiện đang có tốc độ tăng trưởng thuộc thấp còi. Ước tính cụ thể gần hai trong số năm trẻ em bị thấp còi sống ở Nam Á và ở châu Phi cận vùng Sahara. Xét tại khu vực Đông Á và vùng Thái Bình Dương, tỉ lệ này đã giảm từ 25.9% xuống 13.5%.

Đây là một số liệu khả quan đối với nhiều quốc gia có sự tăng trưởng kinh tế tốt như Việt Nam, tuy nhiên đối với các bậc phụ huynh cần phải chú ý đến sự phát triển toàn diện cho con trẻ nhiều hơn.

Tình trạng suy dinh dưỡng và các yếu tố ảnh hưởng

  • Tỉ lệ SDD tại các vùng miền có sự khác biệt rõ rệt

Hiện nay tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi trẻ dưới 5 tuổi tại Việt Nam cao hơn so với Trung Quốc và Nhật Bản, thấp hơn Indonesia, Philippines và Malaysia. Theo kết quả Tổng điều tra Dinh dưỡng 2019 – 2020 của Bộ Y Tế, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn quốc là 19.6%, chiếm ⅕ trên tổng số trẻ em Việt Nam.

Tỉ lệ này chiếm phần nhiều ở khu vực nông thôn và các khu vực miền núi cao (miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và duyên Hải miền Trung và Tây Nguyên). Về nhóm dân tộc, các dân tộc khác (32%) có tỉ lệ suy dinh dưỡng cao gấp đôi so với dân tộc Kinh (17%). Các khu vực này đồng thời cũng là các khu vực có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất của Việt Nam. Điều này cho thấy rằng vị trí địa lý liên quan trực tiếp đến suy dinh dưỡng thấp còi.

Kết quả điều tra và thống kê cho thấy, trẻ dưới 6 tháng tuổi thuộc nhóm nguy cơ suy dinh dưỡng thấp nhất vì giai đoạn này các em chủ yếu vẫn dùng sữa mẹ, có giấc ngủ đầy đủ nhất. Thời kỳ trẻ từ 12 đến 35 tháng là thời kì có nguy cơ bị suy dinh dưỡng cao nhất, trẻ có biểu hiện nhẹ cân, thấp còi và gầy còm. Ở giai đoạn này nếu phụ huynh không có biện pháp phòng ngừa từ trước hoặc giải pháp tốt để cải thiện thì tình trạng suy dinh dưỡng sẽ kéo dài và đặc biệt ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao, cân nặng, trí óc của các em.

  • Thực hành nuôi con theo khuyến nghị dinh dưỡng

Nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho con trẻ ở giai đoạn đầu chính là sữa mẹ. Tuy nhiên tỷ lệ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời vẫn còn thấp ở miền núi phía Bắc (44%), Bắc Trung Bộ và Duyên Hải miền Trung (38.3%), đồng bằng sông Cửu Long (40.9%). Tỷ lệ trẻ từ 6 đến 23 tháng được ăn đa dạng các loại thực phẩm rất thấp tại Tây Nguyên (27.9%) so với tỉ lệ trung bình của cả nước (52.1%).

Cũng trong độ tuổi này, kết quả khảo sát cho thấy rằng, tỷ lệ trẻ được nuôi dưỡng bằng chế độ dinh dưỡng tối thiểu vẫn thấp tại các vùng miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, tỷ lệ trẻ được ăn thịt, trứng, cá trong ngày khá đồng đều tại các vùng miền, duy chỉ có khu vực Tây Nguyên vẫn còn thấp (37.9%) hơn so với con số trung bình (50.2%).

  • An toàn lương thực và an toàn thực phẩm

Việc tiếp cận với đầy đủ thực phẩm đa dạng và an toàn ở mọi nơi mọi lúc để đảm bảo dinh dưỡng và sức khỏe tốt cho con trẻ cũng nằm trong chiếc lược dinh dưỡng quốc gia. Trong đó môi trường thực phẩm hết sức quan trọng. Khi có nhiều thực phẩm lành mạnh với giá thành hoặc được hỗ trợ, các gia đình sẽ có được nguồn thực phẩm và dinh dưỡng phong phú để cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ em.

Nguồn thông tin về an toàn thực phẩm và hiểu biết về các nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm cũng đã cải thiện. Tỉ lệ người dân hiểu biết và thực hành đúng có cải thiện và rõ rệt. Cụ thể 35.8% số người trả lời có kiến thức tốt; 55.6% có kiến thức trung bình. Về xử lý ngộ độc thực phẩm: 78% số người trả lời lựa chọn đưa người bệnh đến cơ sở y tế để điều trị so với 44.9% so với năm 2010. Những con số này vẫn cần được tiếp tục cải thiện trong chiến lược dinh dưỡng của Bộ Y Tế.

  • Sự tiếp cận thông tin dinh dưỡng, phòng ngừa bệnh và y tế

Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc khắc phục tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến cuối và đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ y tế tại các cơ sở y tế địa phương nhằm phục vụ và hỗ trợ tư vấn cho vấn đề sức khỏe của trẻ em. Thống kê của Ngân hàng Thế giới (World Bank) năm 2018 cho thấy dự án Hỗ trợ y tế các tỉnh vùng Đông Bắc Bộ và Đồng bằng sông Hồng đã nâng cao năng lực điều trị dinh dưỡng cho các bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện tại 13 tỉnh miền Bắc Việt Nam.

Việc nâng cao dân trí và trình độ giáo dục của người dân tại các khu vực miền núi, dân tộc ít người vẫn luôn là ưu tiên hàng đầu để đem lại kiến thức, cập nhật thông tin khoa học và xoá bỏ những hủ tục cản trở việc cải tiến chất lượng. Về dinh dưỡng, kiến thức thực hành cần được phổ biến rộng rãi, và cần được hỗ trợ thường xuyên về mặt tài chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vùng xa được tiếp cận thông tin. Các khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên cũng như vùng dân tộc thiểu số sẽ cần được ưu tiên quan tâm đầu tư.

Thực hành dinh dưỡng, những thông tin đảm bảo đến cộng đồng

Chia nhỏ các đối tượng và đặt mục tiêu dinh dưỡng cho từng nhóm theo VDD, có thể tham khảo như sau:

– Phụ nữ mang thai và cho con bú

– Trẻ nhỏ dưới 6 tháng

– Trẻ nhỏ 6-12 tháng

– Trẻ nhỏ 1-2 tuổi

– Trẻ nhỏ 3-5 tuổi

– Trẻ nhỏ 6-11 tuổi

– Thanh thiếu niên 12-14 tuổi

– Thanh thiếu niên 15-19 tuổi

Xác định nhu cầu dinh dưỡng, sự thiếu hụt dinh dưỡng ở các nhóm thực phẩm (đa lượng, vi lượng). Từ đó xây dựng các thông tin truyền thông tập trung vào những vấn đề này

Một bữa ăn dinh dưỡng đầy đủ phải bao gồm đầy đủ các nhóm thực phẩm (tinh bột, đạm, rau củ, trái cây, sữa, sản phẩm từ sữa

– Đa dạng tinh bột (ngô, khoai sắn gạo nếp, bột mì,…)

– Nguồn đạm thực vật và động vật luân phiên (thịt, cá trứng, đậu và các sản phẩm từ đậu)

– Rau củ và trái cây khuyến khích theo mùa nông sản Việt Nam

– Đảm bảo nguồn canxi từ sữa và các sản phẩm từ sữa (sữa chua, phô mai,…) Nếu không có nguồn sữa có thể sử dụng các thực phẩm từ canxi khác (cá cơm, tép nhỏ, cua đồng nhỏ,…) nằm trong mục tiêu cải thiện chiều cao của người dân Việt Nam

Đảm bảo 3 bữa chính và ít nhất 1 bữa phụ

Khuyến khích vận động, tăng cường hoạt động thể chất (tập trung vào các vùng kinh tế khó khăn, trẻ em buộc phải trở thành người lao động bất đắc dĩ)

Vấn đề an ninh lương thực và an toàn thực phẩm cần được uy tiên lên hàng đầu, đặc biệt cần xóa bỏ khoảng cách giữa các dân tộc vùng núi với các thành thị

Tuyên truyền và khuyến khích người dân quan tâm theo dõi về các ngày địa phương tổ chức Hội chợ bổ sung vi chất.

Tạo điều kiện để người dân chủ động lên tiếng khi cần sự giúp đỡ về lương thực, thực phẩm, thuốc men và tiếp cận y tế.

Cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi cần sự quan tâm và hỗ trợ của tất cả các đơn vị, ngành nghề xã hội. Hành trình thay đổi về quan niệm và đầu tư vào dinh dưỡng là chất xúc tác mạnh mẽ nhằm hỗ trợ sự phát triển, chuyển hóa của cơ thể, não bộ và hành vi.